Theo truyền thống của người Việt Nam, cả năm có một ngày Rằm tháng 8 hay còn gọi là Tết Trung Thu. Đây chính là dịp để gia đình được tụ họp, con cháu quây quần, dâng lên tổ tiên những nén hương thơm và đợi đúng đến tối, khi chị Hằng đẹp nhất, mọi người phá cỗ trông trăng.
Không biết tự bao giờ, người Việt Nam coi ngày Tết Trung Thu là tết của các em nhỏ Việt Nam. Bởi cứ đến rằm trung thu, nhiều bậc ông bà cha mẹ lại dẫn con cháu của mình đi mua những chiếc đèn lồng: đèn ông sao, đèn kéo quân rồi mặt nạ… Nhà nào nghèo thì tự học làm đèn lồng từ giấy, từ lon bia… đơn giản nhưng cũng đủ để các bé đốt cây nến sáng rực, rước đèn trong đêm Trung Thu. Nhưng dù khó khăn thế nào, người lớn cũng kịp mua hoa quả để bày cho con cháu mình một mâm cỗ Trung Thu đủ đầy.
Mâm cỗ Trung Thu truyền thống của người Việt Nam đủ đầy gồm những loại hoa quả đặc trưng vùng miền đặc trưng của mùa thu. Trong đó không thể không kể đến quả bưởi xanh mọng nước, quả hồng đỏ và hồng ngâm rực rỡ, trái thanh long thanh mát, lựu, ổi, cam, mía tím, chuối tiêu, dưa hấu, quả thị thơm vàng... Và để đẹp mắt nhất, nhiều gia đình lại chia sẻ với nhau cách bày mâm cỗ Trung Thu đẹp nhất để mâm quả của gia đình thêm rực rỡ, đậm hương sắc mùa thu.
Nếu xét riêng ra, mỗi loại quả được chọn để bày mâm cỗ Trung Thu đẹp đều có những ý nghĩa riêng vô cùng sâu sắc. Quả bưởi tượng trưng cho những điều may mắn. Quả lựu mang ý nghĩa sinh sôi, quả na mang lộc ở, quả hồng mang hi vọng, quả dưa đỏ cầu bình an cho cả nhà. Chính vì vậy, học được cách bày mâm cỗ Trung Thu đẹp nhất để cầu mong sự may mắn và thịnh vượng cho mỗi gia đình Việt.